Việc làm Đà Nẵng

Trang chủ » Cẩm nang việc làm » Lương cạnh tranh là gì? Sự khác biệt giữa lương thỏa thuận và lương cạnh tranh

Lương cạnh tranh là gì? Sự khác biệt giữa lương thỏa thuận và lương cạnh tranh

Bạn thích bài viết này Hãy chia sẻ cho bạn bè

Câu hỏi về mức lương mong muốn khi ứng tuyển luôn là vấn đề cân não hàng đầu của ứng viên. Ngoài những công ty ghi cụ thể mức lương, vẫn có rất nhiều nơi ghi “lương cạnh tranh” hoặc “lương thỏa thuận”. Vậy lương cạnh tranh là gì? Mức lương cạnh tranh tiếng Anh là gì? Mức lương thỏa thuận tiếng Anh là gì? Bạn đã hiểu hết ý nghĩa của những cụm từ này chưa? Deal lương thế nào để có được mức lương mong muốn trong trường hợp nhà tuyển dụng không cho chi tiết một con số?

Tìm hiểu khái niệm lương cạnh tranh và lương thỏa thuận

Lương cạnh tranh là gì

Đây là số tiền mà một doanh nghiệp có thể trả cho bạn bằng hoặc cao hơn mức cơ bản mà thị trường đang trả cho cùng một vị trí đó.

Đó là “competitive salary”. Bạn nên chú ý cụm này khi đọc JD tuyển dụng nhé!

Ví dụ cụ thể: Đối với vị trí nhân viên kinh doanh mới ra trường, mức lương mặt bằng chung mà các doanh nghiệp có thể trả cho nhân viên sẽ dao động trong khoảng 5 đến 7 triệu đồng. Các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cao có thể sẵn sàng chi trả ở mức “cạnh tranh” hơn là 6 đến 8 triệu đồng, tùy thuộc vào năng lực của ứng viên. Tuy “lương cạnh tranh” không được thể hiện bằng một con số cụ thể nhưng bạn vẫn có thể dự đoán được mức lương cho vị trí ứng tuyển thông qua việc tham khảo trước mức lương trung bình của thị trường.

Lương cạnh tranh thu hút nhiều ứng viên hơn

Không chỉ tạo sự hấp dẫn thu hút nhân lực, việc sử dụng các hình thức trả lương “cạnh tranh” hay “thỏa thuận” trong tuyển dụng còn có thể giúp công ty sàng lọc các ứng viên. Trong quá trình đàm phán về lương, nếu ứng viên đưa ra một mức lương quá cao, hoặc quá thấp v.v.. , bộ phận tuyển dụng của các công ty phần nào cũng sẽ đánh giá được năng lực ứng viên.

Lương thỏa thuận là gì

Khác với lương cạnh tranh, cụm từ “lương thỏa thuận” được đưa ra trong các mẫu tin tuyển dụng không đề cập tới mặt bằng chung trên thị trường. Lương thỏa thuận là mức lương được đề xuất và đồng ý bởi hai bên: nhà tuyển dụng và người lao động trong buổi phỏng vấn công việc. Nếu lương cạnh tranh có thể dễ dàng được dự đoán thì lương thỏa thuận lại phụ thuộc vào sự thống nhất ngay từ đầu của bạn với doanh nghiệp.

Mức lương thỏa thuận tiếng Anh là gì?

Negotiable salary” – cụm từ quan trọng bạn cần lưu ý nhé!

Lương thỏa thuận là mức được đạt thỏa hiệp giữa hai bên

Như vậy, dù là mức lương cạnh tranh hay lương thỏa thuận, bạn cũng sẽ không biết được con số cụ thể mà doanh nghiệp trả cho vị trí đang tuyển dụng. Ngày nay, nhiều công ty ưa chuộng hình thức này nhằm mục đích kích thích sự hứng thú của người lao động.

Vì sao lương cạnh tranh lại được ưa chuộng đến vậy?

Nếu lương thỏa thuận là mức lương thống nhất giữa ứng viên và công ty sau khi đánh giá và phỏng vấn trực tiếp thì mức lương cạnh tranh lại có độ hấp dẫn hơn nhiều. Vì đây là cách mà nhà tuyển dụng làm nổi bật tin tuyển dụng để thu hút nhiều nhân tài.

Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao để tuyển được người phù hợp

Lợi ích đối với nhà tuyển dụng

Việc ghi mức lương cạnh tranh giúp doanh nghiệp bảo mật được thông tin lương thưởng của công ty. Trước sự lạm phát và thực trạng khó giữ chân nhân sự đặc biệt là trong các lĩnh vực như Ngân hàng, Marketing hoặc IT, nhiều nhà tuyển dụng chấp nhận trả lương cho nhân viên mới cao hơn nhân viên cũ để có được nhân tài.

Cơ hội mở cho ứng viên

Khi ứng tuyển vào vị trí có mức lương cạnh tranh, ứng viên có cơ hội được thảo luận ngang hàng với nhà tuyển dụng về lương, nhất là khi bạn là người có năng lực. Mức lương cạnh tranh không chỉ cao hơn mặt bằng chung mà đôi khi còn cao hơn kỳ vọng của chính bạn. Đồng thời, việc không tiết lộ mức lương cũng giúp giữ bí mật về thu nhập trước bạn bè, đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Bí quyết deal lương thành công khi gặp JD ghi lương cạnh tranh là gì

Deal lương là bước vô cùng quan trọng trong tuyển dụng, đặc biệt là khi ứng tuyển vào vị trí không biết trước mức lương vì ảnh hưởng tới thu nhập, quyền lợi của bạn khi làm việc tại công ty. Việc này cũng đánh giá khả năng đàm phán của bạn khi mức lương đi đến thống nhất giữa hai bên bằng hoặc cao hơn mức kỳ vọng. Vậy nên deal lương thế nào khi gặp JD ghi “lương cạnh tranh”? Hãy tham khảo gợi ý sau đây nhé.

Xác định mức lương mong muốn

“Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?” là một trong số những câu hỏi chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ đề cập trong buổi phỏng vấn deal lương. Để xác định được mức lương mong muốn phù hợp quả không dễ dàng gì, đây là bước mà bạn phải tự đánh giá về năng lực chuyên môn, tính chất công việc và nhu cầu thị trường.

Lập checklist 5 yếu tố để dễ dàng xác định mức lương mong muốn

Tìm hiểu về tính chất công việc: Trong mô tả công việc của thông báo tuyển dụng, bạn sẽ chỉ nhìn thấy tóm tắt hoặc một phần yêu cầu công việc của vị trí đó. Tại buổi phỏng vấn, bạn nên khai thác thêm từ phía nhà tuyển dụng như: Khối lượng công việc nhiều hay ít; vai trò và trách nhiệm của bạn có lớn hay không; tính chất công việc có nhiều áp lực, thường xuyên phải làm thêm giờ hoặc đi công tác xa hay không; KPI cần đáp ứng trong một tháng, một quý hoặc một năm là bao nhiêu… Nếu có bạn bè hoặc người quen đang làm trong công ty, bạn có thể hỏi thăm trước để biết thêm về những ý này.

Đánh giá năng lực bản thân: Sau khi đã nắm rõ được tính chất công việc, bạn cần đối chiếu với khả năng của bản thân. Trình độ và kỹ năng của bạn có đáp ứng được toàn bộ yêu cầu công việc không? Hay bạn chỉ đáp ứng được một phần và cần trau dồi, cải thiện thêm trong thời gian làm việc tại công ty? Nếu tự tin mang lại nhiều giá trị khi đóng góp cho công ty, bạn có thể đưa ra mức lương kỳ vọng cao hơn. Ngược lại, nếu cảm thấy mình không quá nổi bật, bạn nên khởi đầu bằng mức lương bình quân trên thị trường và chờ đợi cơ hội tăng lương trong thời gian tới.

Tham khảo mức lương hiện tại của bạn: Nếu như đã và đang làm ở vị trí tương đương cùng ngành nghề, bạn có thể lấy mức lương đang nhận làm tiêu chuẩn để deal. Thông thường, khi chuyển việc, hầu hết ứng viên đều tìm kiếm cơ hội có thu nhập tốt hơn nên lương ở công ty mới sẽ deal cao hơn hiện tại.

Nghiên cứu mức lương trên thị trường: Bạn có thể tham khảo mức lương cùng vị trí, cùng level của các công ty đối thủ hoặc hỏi thăm người quen đã hoặc đang làm việc tại công ty muốn xin việc để biết được mức lương trung bình cho vị trí này. Việc “biết người, biết ta” cũng giúp ứng viên dễ đàm phán hơn với nhà tuyển dụng.

Đừng quên phúc lợi và chế độ đãi ngộ: Ngoài lương, bạn cần chú ý tới thưởng và các chính sách gia tăng thu nhập khác. Khi được đề nghị một mức lương thấp hơn mong đợi, bạn đừng vội từ chối mà hãy tìm hiểu thêm về phúc lợi mà công ty sẽ cung cấp cho bạn. Ví dụ như: thưởng vượt KPI, thưởng thành tích xuất sắc, thời gian tăng lương định kỳ thường xuyên (phổ biến là 1 năm), đóng bảo hiểm full lương hay chỉ bằng với mức quy định của Luật Lao động, cấp máy tính cá nhân hoặc bao gồm cơm trưa…

Chuẩn bị kỹ càng trước buổi phỏng vấn

Sau khi xác định được mức lương kỳ vọng, bạn cũng cần thuyết phục được nhà tuyển dụng vì sao bạn xứng đáng với mức lương này. Đã có rất nhiều ứng viên “thất bại” trong việc bảo vệ nguyện vọng của mình khi đối diện với nhà tuyển dụng dày dặn kinh nghiệm. Họ thường áp đảo ứng viên bằng những lập luận sắc bén nhằm mục đích deal lương xuống càng thấp càng tốt để phù hợp với quỹ lương và giảm chi phí nhân sự cho công ty. Do đó, bạn cần làm tốt bước xác định mức lương mong muốn, tin tưởng vào bản thân để thuyết phục nhà tuyển dụng với các lập luận chặt chẽ đã chuẩn bị.

Một số lưu ý JD ghi lương cạnh tranh

Đàm phán lương là cuộc đấu trí giữa ứng viên và nhà tuyển dụng

Ứng viên hãy thật bình tĩnh và ghi nhớ một số lưu ý quan trọng sau đây:

Luôn giữ thần thái tự tin và giao tiếp thẳng thắn, ngắn gọn khi đàm phán: Nhiều nhà tuyển dụng có khả năng đọc vị ngôn ngữ cơ thể ứng viên. Nếu nhút nhát và vòng vo, bạn sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy chán nản. Thay vào đó, bạn hãy ghi điểm bằng việc thể hiện sự tự tin như cách bạn tin tưởng vào năng lực của bản thân.

Đưa ra con số cao hơn kỳ vọng thực tế 10 – 20% hoặc chỉ đưa ra khoảng lương kỳ vọng: Ví dụ như bạn mong muốn thực nhận là 10 triệu, bạn có thể đề cập với nhà tuyển dụng là 12 triệu hoặc khoảng lương mong muốn, dao động từ 10 – 15 triệu. Điều này cũng thể hiện thông điệp của bạn đến với nhà tuyển dụng rằng bạn chỉ đồng ý và hài lòng với mức tối thiểu là 10 triệu. Bí kíp giúp bạn dễ đạt được đúng mức có thể chấp nhận được sau khi đàm phán vì nhà tuyển dụng thường sẽ deal xuống thấp hơn.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên “khăng khăng” với mức ban đầu khi được đề nghị mức thấp hơn không đáng kể. Hãy linh hoạt khi chốt deal để tạo không khí thoải mái, lấy được thiện cảm của nhà tuyển dụng và không phải hối tiếc khi đánh mất cơ hội được làm việc tại một môi trường yêu thích.

Tóm lại:

Qua những chia sẻ trên, có lẽ bạn đã biết lương cạnh tranh là gì và những bí quyết deal lương thành công. Lương cạnh tranh là cơ hội mở cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Tuỳ thuộc vào thời gian tuyển dụng, mức độ khan hiếm nguồn nhân lực hoặc quy chế công ty, nhà tuyển dụng sẽ quyết định thể hiện mức lương cụ thể hoặc ghi lương cạnh tranh.

Lương cạnh tranh cũng tạo điều kiện để ứng viên thể hiện khả năng đàm phán của mình và tiếp cận gần hơn với mức lương mong đợi hoặc thậm chí là vượt ngoài mong đợi. Chúc ứng viên gặt hái nhiều thành công nhé!

Nguồn: Việc làm 24h

Chia sẻ bài viết này

LIKE PAGE ĐỂ NHẬN VIỆC LÀM MỚI NHẤT